Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa

Một trong những vấn đề nhân đạo lớn nhất sau biến cố 30-04-1975 là thân phận của khoảng 20.000 các thương phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Khác với những anh hùng đã hy sinh đền nợ nước, thương phế binh là lớp người đã chịu mất một phần thân thể cho non sông đất nuốc – trong lúc tuổi còn thanh xuân – với mức độ thương tật nặng nhẹ khác nhau, như cụt hai chân, mù hai mắt, cụt hai tay, liệt bán thân, cụt tứ chi, v.v…
Hơn 45 năm trước, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa – qua Bộ Tổng Tham Mưu – đã ý thức về vấn đề nhân đạo đối với giới thương phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, biểu hiện qua việc lập Làng Thương Phế Binh Phước Bình, Thủ Đức.
Nếu cuộc sống của người dân thường thời hậu chiến có rất nhiều cơ cực, thì đối với những thương phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – số phận lại càng thập phần nghiệt ngã. Họ là thành phần bị gạt ra bên lề xã hội Việt Nam, vô thừa nhận – cả về tâm lý lẫn pháp lý. Là phế nhân, người thương phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn phải mưu sinh, lây lất sống qua ngày. Vì không có bất cứ giấy tờ chứng nhận, và không nhận được một bù đắp nào, nên họ đành phải sống tạm bợ bằng đủ mọi nghề vặt vãnh trên hè phố – phổ biến nhất là đi hát dạo, bán vé số, lượm ve chai, có người chạy xe ôm… Đến nay hầu hết các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đều đã bước sang tuổi lão, sau khi đã trải đủ đắng cay, nghèo khổ của kiếp người.

Việc yểm trợ thương phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại quốc nội trước đây khá đa dạng, như phát quà; phát xe lăn; các chương trình khám bệnh miễn phí. Sau này, việc hỗ trợ đã lan rộng và chuyển sang hình thức những hội đoàn, có tổ chức khá quy mô. Tại hải ngoại, nhiều buổi văn nghệ nhằm gây quỹ cho các thương phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng đã được tổ chức – mang tên “Một chút quà cho quê hương”, những “Bữa Cơm Tình Thương”.

Mục tiêu chính yếu là muốn trả lại danh dự cho các anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Ròng rã 45 năm dưới chế độ cộng sản Việt Nam, họ bị miệt thị là ngụy quân ngụy quyền, kẻ nối giáo cho giặc. Họ bị gạt ra bên lề. Việc đi lính là trách nhiệm công dân của họ và họ đã chu toàn trách nhiệm công dân một cách anh dũng – thì tạo sao lại đi vinh danh một hệ thống chính trị nào đó để miệt thị, để loại trừ họ?
Đây là dịp tri ân, phục hồi quyền làm người và nhân phẩm của anh em thương phế binh mà trong nhiều năm qua đã không được tôn trọng, đã không được đối xử đúng mức của nó.

Trong tâm tình đó, ban chấp hành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Đan Mạch cũng muốn mở một sổ vàng – để quyên góp một phần nhỏ bé vào niềm tri ân này, cũng như để tỏ lòng mến thương những anh em đã hy sinh những phần thân thể cho quê hương yêu dấu.
Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ những anh em thương phế binh trọn cuộc đời.

Ban Chấp Hành CĐCGVN/ĐAN MẠCH