TÔN GIÁO DƯỚI THỂ CHẾ VIỆT NAM TỰ DO và CỘNG SẢN VÔ THẦN

tho

GNsP (11.02.2016) – Cách đây hơn 40 năm tại Miền Nam Việt Nam, dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, các tôn giáo và người dân bất kể người đó là ai, đều có quyền tự do hành đạo tín ngưỡng mà mình tin theo. Các hoạt động của các tôn giáo đều độc lập và tự do sinh hoạt theo cách thức riêng của mỗi tôn giáo. Về mặt xã hội, các tôn giáo tham gia chủ lực trong ngành giáo dục, truyền thông, điều hành các bệnh viện, các cơ sở xã hội… đã tạo nên một xã hội có những tự do cần thiết và tôn trọng những quyền tự do chính đáng của con người.

Sau năm 1975, các quyền cơ bản, tự do chính đáng nói trên đều bị nhà cầm quyền CS Việt Nam tước đoạt khi họ cai trị đất nước. Các quyền này bị kiềm tỏa bởi cơ chế ‘xin-cho’ khi nhà cầm quyền “dùng bạo lực vũ khí và bạo lực hành chánh (tùy nơi và tùy lúc) để khống chế” các tôn giáo và người dân. Họ còn lập ra các tôn giáo quốc doanh ‘cánh tay nối dài của đảng’ để lũng đoạn, chia rẽ nội bộ các tôn giáo.

Để hiểu rõ hơn quyền tự do tôn giáo được tôn trọng và bảo vệ như thế nào dưới thể chế VNCH và thể chế CS, xin mời quý vị dõi theo cuộc phỏng vấn giữa phóng viên GNsP với Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, sống ở Huế.

Bo dieu 4 HP-Phan Van Loi

Huyền Trang, GNsP: Thưa cha Phêrô, con xin hỏi cha một câu rất quen, rất cũ nhưng có vẻ hơi xa lạ đối với người dân VN đó là ‘tôn giáo’ là gì và ‘quyền tự do tôn giáo’ có nghĩa là gì ạ?

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi: Từ sự quan sát các tôn giáo lớn, có thể nói tôn giáo chính là niềm tin vào một hay nhiều đấng thiêng liêng, cao cả với các yếu tố sau đây: Thứ nhất, mình tôn thờ, cảm tạ, xin ơn tha thứ lỗi lầm và cầu khẩn những ơn cần thiết từ đấng thiêng liêng ấy. Thứ hai, mình đem những lời dạy của đấng đó để tìm một ý nghĩa cho cuộc sống và cái chết, khổ đau và hạnh phúc. Thứ ba, mình cố gắng lấy gương lành và lời dạy của đấng đó như kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động của mình. Thứ tư, song song đó, mình kết hợp với những người cùng niềm tin thành một cộng đoàn tôn giáo để giúp nhau sống đạo và đem những gì tốt đẹp của đạo đến cho người khác và đến cho xã hội, biến đổi xã hội, biến đổi thế giới. Cuối cùng, mình hy vọng sẽ về với đấng ấy, với thế giới của đấng ấy sau khi mình qua cõi đời này.

Còn quyền tự do tôn giáo chính là có thể thực hiện những điều trên mà không bị ai quấy rối, cấm cản, lũng đoạn, nhất là trong việc kết hợp với nhau để bảo vệ và tăng trưởng đức tin, để lấy đức tin mà cổ vũ cho công lý và sự thật, đem đức tin mà xây dựng văn hóa và đạo đức cho xã hội.

Huyền Trang, GNsP: Thưa cha, cha là người may mắn sống dưới hai thể chế, đó là thể chế Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và chế độ Cộng sản (CS), vậy xin cha có thể chia sẻ cho chúng con biết ‘quyền tự do tôn giáo’ dưới hai thể chế này có những điểm khác biệt ra sao ạ?

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi: Thể chế VNCH là một thể chế tự do, dân chủ, tôn trọng mọi quyền của con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo là quyền tự do tin đạo, sống đạo và hành đạo. Mọi tôn giáo dưới thể chế VNCH đều được tự do trong việc hình thành và sinh hoạt, đều được độc lập trong việc tổ chức cơ cấu và đào tạo nhân sự, đều được toàn quyền trong việc truyền bá giáo lý và thực hiện bác ái từ bi.

Thể chế Việt Nam cộng sản là một thể chế vô thần và duy vật về mặt triết lý, độc tài và toàn trị về mặt chính trị. Thứ vô thần của chế độ cộng sản là vô thần đấu tranh, chủ trương tiêu diệt niềm tin và tôn giáo, khác với vô thần của chế độ tư bản là vô thần hưởng thụ, chủ trương dửng dưng với niềm tin và tôn giáo. Tiêu diệt ở đây có nghĩa là làm cho tôn giáo không còn hiện hữu hoặc không còn bản chất nữa bằng những luật lệ và cách hành xử trong thực tế.

Tượng Đức Mẹ bị đập phá tại giáo điểm Con Cuông, thuộc giáo xứ Quan Lãng, tỉnh Nghệ An, vào ngày 01.07.2012 khi nhà cầm quyền phản đối linh mục và bà con giáo dân cử hành thánh lễ

Huyền Trang, GNsP: Thưa cha, trước năm 1975, các Tôn giáo tham gia chủ lực trong các hoạt động nào của xã Hội? Điều này đã góp phần thúc đẩy con người và xã hội như thế nào ạ?

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi: Trước năm 1975, các tôn giáo tại Miền Nam Việt Nam đã tham gia vào bốn hoạt động sau đây:

Thứ nhất, hoạt động chính trị: người của tôn giáo tham gia vào bộ máy cầm quyền từ Tổng thống, Thủ tướng đến các Bộ trưởng, viên chức hầu hết đều có tôn giáo. Trong Quốc hội có liên danh theo khuynh hướng Phật giáo, Công giáo hay khuynh hướng tôn giáo khác. Tướng lãnh, sĩ quan cao cấp trong cảnh sát, quân đội đều có người theo đạo này theo đạo nọ. Thậm chí còn có hệ thống tuyên úy trong quân đội. Trong khi đó, dưới chế độ CS hiện nay, nhân sự cao cấp của bộ máy cầm quyền, quốc hội, quân đội, công an đều vô thần. Trong Quốc hội có một số chức sắc tôn giáo nhưng họ là người của nhà nước hơn là người của Giáo hội. Trong quân đội không có tuyên úy và công an lớn nhỏ đều phải vô thần.

Thứ hai, hoạt động giáo dục: các tôn giáo dưới chế độ VNCH đều được mở trường đủ cấp từ đại học xuống tới mẫu giáo. Người ta thấy có đại học Vạn Hạnh của Phật giáo, đại học Hòa Hảo, đại học Đà Lạt và Minh Đức của Công giáo, học viện của Tin lành. Các trường trung học tư thục của các tôn giáo thì vô kể. Ngoài ra, các trường đào tạo chức sắc tôn giáo đều được tự do thành lập và hoạt động mà không hề bị sự xen mình của nhà cầm quyền.

Thứ ba, hoạt động truyền thông: các tôn giáo đều có nhà xuất bản riêng, báo chí riêng (báo viết, báo nói, báo hình, chẳng hạn trung tâm truyền hình Đắc Lộ của dòng Tên Công giáo); thậm chí các tôn giáo còn có giờ phát thanh hàng tuần trên hệ thống truyền thông quốc gia. Sách tôn giáo tự do in ấn và truyền bá, mà không bị sự kiểm duyệt nào của nhà cầm quyền.

Trung tâm truyền hình Đắc Lộ của Dòng Tên trước năm 1975

Thứ tư, hoạt động xã hội: các tôn giáo đều có quyền xây cất và điều hành bệnh viện, bệnh xá, viện cô nhi, viện dưỡng lão; có thể tự do tổ chức những cuộc lạc quyên và những chuyến cứu trợ mà không bị nhà cầm quyền sách nhiễu, ngăn chận, bỏ tù hay tìm cách đoạt lấy (như chế độ CS từng bỏ tù Hoà thượng Thích Quảng Độ, ngăn các thượng tọa, linh mục đi cứu trợ đồng bào, buộc phải đưa tiền cứu trợ cho Mặt trận Tổ quốc hoặc Ủy ban nhân dân phân phát).

Từ những hoạt động tự do đó các tôn giáo đã góp phần cho chế độ VNCH –mặc dù chưa phải là một chế độ dân chủ hoàn hảo nhưng cũng có những tự do cần thiết, và là một chế độ rất nhân bản, biết tôn trọng những tự do chính đáng của con người. Những ảnh hưởng tốt đẹp của tôn giáo đó bây giờ càng ngày càng được người dân ở trong nước khám phá ra giá trị của chế độ VNCH, như sự kiện TNLT Nguyễn Viết Dũng –một người sinh ở Miền Bắc nhưng lại có tình cảm đối với chế độ Miền Nam… Tất những gì tốt đẹp của thể chế VNCH là nhờ sự đóng góp lớn lao của các tôn giáo và điều đó có được là nhờ các tôn giáo sinh hoạt một cách tự do, không bị hạn chế, cấm cản, sách nhiễu và lũng đoạn của nhà cầm quyền.

Huyền Trang, GNsP: Thưa cha, sau hơn 40 năm cai trị của nhà cầm quyền cs trên đất nước VN thì các hoạt động của các tôn giáo được tiến hành như thế nào? Các tác động này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống xã hội nói chung, cũng như con người VN nói riêng?

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi: Sau 40 năm cai trị của nhà cầm quyền trên đất nước thì chúng ta thấy có những hiện tượng sau đây trong các tôn giáo: Thứ nhất, mọi hoạt đông tôn giáo (gồm có việc xuất hiện sinh hoạt, việc thờ tự lễ hội, việc tổ chức nội bộ, việc truyền bá giáo lý, việc bác ái xã hội, việc giáo dục giới trẻ) đều phải tất tần tật xin phép nhà cầm quyền và nhà cầm quyền tùy tiện chứ không bắt buộc phải cho phép.

Thứ hai, các tôn giáo bị nhà cầm quyền tìm mọi cách giới hạn sinh hoạt tôn giáo vào việc thờ tự lễ hội.

Thứ ba, các tôn giáo bị nhà cầm quyền dùng bạo lực vũ khí và bạo lực hành chánh (tùy nơi và tùy lúc) để khống chế. Bạo lực vũ khí là đàn áp, cầm tù, giam nhốt và quản chế. Bạo lực hành chính là các biện pháp luật lệ, hệ thống hành chánh để gây rối và khống chế các tôn giáo.

Quý Souer Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm Sài Gòn yêu cầu nhà cầm quyền ngưng đập phá và trả lại các cơ sở trường học cho Hội Dòng, vào ngày 23.10.2015

Thứ tư, các tôn giáo bị nhà cầm quyền tìm cách thao túng lũng đoạn đánh phá bằng cách lập ra các giáo hội quốc doanh song hành hoặc các tổ chức tôn giáo quốc doanh để thâm nhập vào các tôn giáo chính thống.

Thứ năm, các tôn giáo bị nhà cầm quyền hạn chế ảnh hưởng trong xã hội, hạn chế một là bằng cách loại tín đồ ra khỏi các chức vụ công quyền, khỏi hàng ngũ lãnh đạo quân đội, khỏi ngành công an; Hai là bằng cách chỉ cho tôn giáo dạy mẫu giáo mà thôi; Ba là bằng cách cấm tôn giáo có nhà xuất bản riêng, báo chí riêng, đài phát thanh phát hình riêng; Bốn là bằng cách chen vào việc huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm các chức sắc, nhất là chức sắc lãnh đạo cao cấp để chọn ra những người vừa lòng nhà cầm quyền, không dám chống lại những sai lầm và tội ác của nhà cầm quyền.

Lịch sử cho thấy các tôn giáo là tổ chức công bố sự thật, bênh vực lẽ phải, thể hiện tình thương, là định chế có vai trò đào tạo lương tâm, giáo dục con người, tạo lập văn hóa. Nhưng một khi các tôn giáo bị cấm cản, hạn chế, lũng đoạn như tại VN hiện nay, thì sẽ đưa đến những hậu quả: trên phương diện tập thể thì đó là chính trị bạo hành, văn hóa suy thoái, giáo dục xuống cấp, an sinh bấp bênh, môi trường nhiễm độc. Trên phương diện cá nhân thì đó là lương tri mờ tối, lương tâm băng hoại, trái tim vô cảm trước nỗi khổ đau của đồng bào và dửng dưng trước thảm trạng của xã hội.

Huyền Trang, GNsP: Chúng con xin chân thành cám ơn cha Phêrô Phan Văn Lợi. Chúng con xin kính chúc cha một Mùa Xuân Thánh Đức.

Người dân và các bạn trẻ sẽ làm gì để có thể từng bước nhỏ thay đổi thực trạng rối ren của xã hội dưới thể chế vô thần CS?

Huyền Trang, GNsP

Trích từ trang Tin Mừng cho người nghèo.

http://www.tinmungchonguoingheo.com/