Billedresultat for the end of the world

Nguyễn Trọng Lưu

Ngày 21.12.2012

Trong bài ”Manaratha” viết vào mùa Vọng năm 2012 – chúng tôi đã cập đến một vấn đề làm nhiều người lúc đó rất hoang mang và sợ lo sợ – khi nghe một số khoa học gia giả tưởng tuyên bố chính xác ngày tận thế – đúng hơn là ngày cùng tháng tận của trái đất này: đó là ngày 21. 12. 2012 – mà cũng có bản văn khác lại nói là ngày 23. 12. 2012. Theo các tài liệu được phổ biến thì ngày dự đoán này được căn cứ vào lịch của người Mayan – người Columbia thời cổ, họ rất giỏi về toán học và thiên văn, đã từng sinh sống tại Mexico – và lịch của người Mayan này chỉ có tất cả 5125 năm và ngày 21. 12. 2012 sẽ ngày là cuối cùng.

Từ ”Maranatha” – một từ nguyên thủy bằng tiếng Aram là ngôn ngữ bản xứ của Chúa Yêsu – được xuất hiện duy nhất một lần trong trong thơ thứ nhất của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Corintô, đoạn 16, câu 22 – và có nghĩa là ”Lạy Chúa, xin hãy đến!”. Ý tưởng này được lập lại trong Sách Khải Huyền, đoạn 22, câu 20: ”Xin hãy đến, lạy Chúa Yêsu!”, và có thể đọc bằng hai cách: hoặc là ”Maranatha” (Lạy Chúa, xin hãy đến!) hay ”Mara-natha” (Chúa đến).
Thế nhưng, các nhà khoa học Nga và đa số các khoa học gia trên thế giới – trong đó nổi tiếng nhất là ông Don Yeomans, chuyên viên nghiên cứu của cơ quan NASA – đã bác bỏ lời tiên báo này, bởi hoạt động của mặt trời hiện nay không có gì là bất ổn. Tuy nhiên ông không phủ nhận rằng mặt trời chắc chắn sẽ không thể nào kéo dài mãi mãi được, ở chỗ có lúc hoạt động của nó sẽ bất thường thay đổi, gây ảnh hưởng đến các hành tinh trong thái dương hệ, trong đó có cả trái đất của chúng ta. Có thể vào năm 2012, theo chu kỳ 50 năm một lần, hoạt động của mặt trời sẽ tăng mạnh so với thời điểm hiện nay, với những cơn bão mặt trời và do vậy gây nên những hậu quả khác thường. Nếu cứ 50 năm một lần mặt trời có những biến động như thế, thì những năm 1962 hay 1912 đã xẩy ra những gì?

Billedresultat for tận thế

Có nhiều người lại viện dẫn di chúc của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 – vị Giáo Hoàng liên quan mật thiết với Thánh Louis-Marie Monfort và Thánh Faustina Kowalska: ”Các con thân mến, khi cha ra đi cũng chính là lúc những biến cố thảm họa sẽ đổ xuống thế giới này: chiến tranh ngày càng lan rộng, động đất khắp nơi, các cuộc đại nạn lớn lao sẽ xảy ra, tại các nước lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Phi Luật Tân” – để tiên đoán rằng ngày tận thế sẽ xảy ra trùng vào lịch của người Mayan.
Bất cứ tiên đoán nào của khoa học cũng là những gì không chắc chắn bằng chính lời khẳng định của Đấng biết hết mọi sự, khi Người phán:“ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm”. Qua Phúc Âm Nhất Lãm, chính Người cũng tiết lộ và báo trước cho chúng ta những dấu hiệu xẩy ra trước ngày cùng tháng tận – tức trước khi Người đến trong vinh quang. Một trong những dấu hiệu báo trước ngày cùng tháng tận của thế gian này đó là tình trạng băng hoại về đạo nghĩa và luân lý của con người, như Người đã khẳng định trong Matthêu đoạn 24, câu 12: “lòng của hầu hết con người trở nên nguội lạnh vì sự dữ gia tăng”. Thế nhưng, lạ lùng thay, cũng vào chính thời điểm thế gian đang sống trong nguội lạnh là hiện tượng tiêu biểu cho sự chết này, lại xẩy ra một sự kiện ngược lại, như Người cũng đã báo trước ở câu 14, sau câu 12 trên đây: “Tin Mừng về vương quốc sẽ được rao truyền khắp thế giới như một chứng từ cho tất cả mọi dân tộc. Chỉ sau đó tận cùng mới xảy ra”. Phải chăng những chuyến tông du của các vị chủ chăn tối cao của Giáo Hội Công Giáo, với Đức Phaolô VI và 104 chuyến công du của Đức Yoan Phaolô II đến nhiều nơi trên thế giới, chính là những gì đã ứng nghiệm câu Phúc Âm được kết thúc rằng: “Chỉ sau đó tận cùng mới xảy ra”?

Billedresultat for tận thế

Ngày 22.12.2017

Trong những ngày gần đây, nhiều người đã lại sống trong hoảng hốt âu lo khi đọc những trang thông tin trên mạng như ”Sứ điệp Chúa đến” và ”Trên đường thiên lý” và khi xem một số những video trình chiếu trên You Tube nói về ngày tận thế và thời lên ngôi của quỷ vương, cho biết rằng ngày tận thế sẽ là ngày 22.12.2017. Thậm chí những ”tin phao” này còn dùng một vài chữ được Giáo Hội thay đổi trong ”Kinh Lạy Cha” từ ngày 03.12.2017 để làm luận cứ chứng minh cho chủ trương của mình.

Chúng tôi gọi những luận cứ này là ”tin phao” vì nhiều lý do.

Nhiều trang thông tin trên mạng và video trên You Tube chỉ muốn loan “tin giật gân” nhằm thu hút độc giả để tìm số đông những lần được đọc hay xem – mà không hiểu chính xác, không phân tích đến tận căn rễ các vấn đề.

Nhiều ”tin phao” này không nêu danh tính thật của người chủ trương – mà cũng nhiều khi không cho biết ai chủ trương.

Ấy là chưa nói đến những âm mưu muốn dùng những phương tiện truyền thông này để phá đổ Giáo Hội, chống đối Đức Thánh Cha và tiêu diệt đức tin.

”Tận tín thư, tắc bất như vô thư”

Ngày xưa Mạnh Tử có nói: ”Tận tín thư, tắc bất như vô thư – Cả tin sách, chẳng bằng không có sách”. Điều này có nghĩa là khi đọc sách mà tin một cách mù quáng vào những điều viết trong đó, chẳng thà đừng có sách thì hơn. Cũng thế, nếu đọc những ”tin phao” này mà không tìm hiểu chính xác, chắc nhiều người sẽ sẽ bị rơi vào mê lộ.

Người Kitô hữu không lo tìm biết ngày Chúa đến cho bằng sống trọn vẹn giây phút hiện tại này để từ đó có thể nhận ra Người đang đến – trong thức tỉnh và cầu nguyện.

”Hãy tỉnh thức và cầu nguyện!” Đức Yêsu không ngừng nhắn nhủ chúng ta điều đó. Lời nhắn nhủ ấy là một điệp khúc giữ nhịp cho dòng thời gian được nhẫn nại trôi qua và cảnh báo cho chúng ta lúc nào cũng phải sẵn sàng đi gặp Chúa. Điều quan trọng không phải là vấn đề thời gian, mà là chúng ta cần chuẩn bị để lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng tự nguyện và chân thành. Lời kêu cầu trong sách Khải Huyền ”Maranatha” cũng là lời cầu nguyện của Giáo hội, của người tín hữu sống phận làm con Thiên Chúa một cách trưởng thành. Xin quý độc giả tìm hiểu chủ đề này trong bài ”Maranatha!” (Nguyễn Trọng Lưu, www.cdcgvn.dk)

Nhưng nếu hiểu và sống được ý nghĩa của cụm từ ”Maranatha – Xin Chúa hãy đến!” – thì tận thế hay không tận thế lúc nào cũng là giây phút Chúa đến với chúng ta, vì chúng ta hằng khao khát gặp Người, ở với Người và nên một với Người luôn mãi.