Chúng ta thường hay nghĩ về thời gian như một chu kỳ vòng tròn, xoay hết vòng rồi sẽ quay trở lại: “khứ nhi phục thủy” – và do vậy chúng ta cũng quen quan niệm rằng, con người sinh ra là ”ở trong trái đất”, (dans le monde). Nhưng với triết gia M. Heidegger(1889-1976) trong cuốn ”Zeit und Sein” thì con người thực sự “thuộc vể trái đất”

Thời gian và ý nghĩa cuộc đời

Nguyễn Trọng Lưu

Quan niệm về thời gian

Chúng ta thường hay nghĩ về thời gian như một chu kỳ vòng tròn, xoay hết vòng rồi sẽ quay trở lại: “khứ nhi phục thủy” – và do vậy chúng ta cũng quen quan niệm rằng, con người sinh ra là ”ở trong trái đất”, (dans le monde). Nhưng với triết gia M. Heidegger(1889-1976)trong cuốn ”Zeit und Sein”thì con người thực sự “thuộc vể trái đất” (essentiellement au monde). ”Ở trong trái đất” có nghĩa là chúng ta chỉ hiện hữu như một khách bàng quang, không mảy may có ý nghĩa gì với vũ trụ. Nhưng ”thuộc về trái đất” có nghĩa là chính mỗi người trong chúng ta, qua hiện hữu cá biệt của mình, sẽ đóng góp vào lịch sử tiến triển của vũ trụ. Vũ trụ không còn là một khách thể đứng lù lù bên cạnh và không liên quan gì tới chúng ta, mà trái lại chính chúng ta phải đóng góp để làm tròn lịch sử của vũ trụ. Điều đó cũng có nghĩa là con người sống trong một khoảng thời gian nào đó – là một hữu thể độc nhất vô nhị – vì chính mỗi người tạo nên một lịch sử riêng cho mình, không ai có thể làm thay cho ai được. Thế nên mỗi người phải tự ý thức về hiện hữu của mình để làm trọn ý nghĩa cuộc đời và đong đầy ý nghĩa cho thời gian – nếu không chỉ là lãng phí thời gian mà thôi!

Ý nghĩa triết học về thời gian của M. Heidegger cũng không khác gì ý nghĩa về thời gian của Linh mục dòng tên Teihard de Chardin, (1881-1955) – một nhà cổ sinh vật học nổi tiếng đã làm việc rất nhiều năm ở Trung Quốc – trong cái nhìn về thuyết tiến hóa hữu thần – theo đó tất cả mọi sinh vật đều được tiến hóa theo chiều đi lên theo hinh nón chóp để tiến lên tuyệt đỉnh tạo dựng của Thiên Chúa.

Quan niệm về thời gian của cả M. Heidegger cũng như của Teihard de Chardin không khác gì quan niệm về thời gian của Kitô giáo – được biểu trưng bằng một đường thẳng – trong đó mọi người được sinh ra cũng như mọi biến cố xảy ra đều được quy về thời cánh chung(eschatologie).Mỗi con người phải hoàn thành sứ mạng cá biệt của mình để đóng góp vào việc tạo dựng của Thiên Chúa. Và đó cũng chính là ý nghĩa của dụ ngôn làm sinh những nén bạc mà Thiên Chúa đã trao ban cho mỗi người (Mat. 25, 14-30).

Từ thời gian đến cảm nghiệm về Tuyệt Đối

Thường chúng ta hay chia mốc thời gian thành hiện tại, tương lai và quá khứ. Nhưng xét cho cùng, con người chỉ có hiện tại mà thôi, bởi tương lai là điều chưa xảy đến, mà một khi đã xảy đến, thì chính giây phút đó lại đi vào quá khứ rổi!Điều đó bắt buộc chúng ta phải sống giây phút hiện tại – bởi chúng ta chỉ nắm được hiện tại mà thôi. Quá khứ là thời gian qua đi không bao giờ lấy lại được, còn tương lai là thời gian chưa nằm trong tầm tay của con người, nên con người chỉ còn lại duy nhất thời gian hiện tại – mà hiện tại là những giây phút M. Heidegger gọi là “der Augenblick” -tức những khoảnh khắc con người cảm nghiệm được cái hiện hữu hạn giới của mình để phải đối đầu với hư không, rồi từ đó làm nảy sinh khát vọng làm cho chính cái “der Augenblik” tương đối kia quy hướng về “Tuyệt Đối”. Cái “tuyệt đối” này có thể được hiểu là giá trị siêu hình mà con người tự xây đắp cho mình qua những công việc ngày thường, mà cũng có thể được hiểu là một khát vọng siêu thời gian muốn đưa con người đến chỗ vượt qua các hạn giới trong thân phận bèo bọt của kiếp người – mà gần gũi nhất, cụ thể nhất, chắc chắn nhất là cuộc giã biệt kiếp hiện sinh. Đó là cái cảm nghiệm sâu xa nhất về hiện hữu mà các triết gia, khi suy tư về con người, đã gọi con người là “être-pour-la-mort” – cũng giống như ngày xưa, Đức Phật đã nhận định về kiếp nhân sinh: đời người là “sinh, lão, bệnh, tử”. Còn trong cảm nghiệm tôn giáo, người ta gọi “Tuyệt Đối” đó là Đức Chúa, Đức Phật, Brâhman hay một Đấng-nào-đó.

Ở đây chúng ta thấy cái “der Augenblick” của M. Heideggercũng không khác xa với các cảm nghiệm của Rabindranath Tagore(1861-1941) – là thi sĩ, triết gia và chính trị gia của Ấn Độ, và là người Á Châu đầu tiên được giải thưởng Nobel về văn học năm 1913. Trong tập thơ nổi tiếng “Gitanjali”, R. Tagore đã ca tụng vẻ phong phú muôn màu của tình yêu, là nguồn vui bất tận của cuộc đời. Đó là thứ tình yêu chân thành, không giả hình, không giấu diếm, cũng không bị hoen ố vì lòng ghen ghét thù hằn, mà là một thứ tình yêu khiêm hạ, nhận ra sự bất toàn và giòn mỏng của mình muốn chia sẻ với hết mọi người. Chính khoảnh khắc con người gieo hạt mầm yêu thương đó vào hiện hữu hạn giới này, thì cũng chính lúc đó con người chạm vào biên giới của Tuyệt Đối. Vì chỉ có Tuyệt Đối mới có thể làm cho cái hữu hạn trở thành sức sống viên mãn mà thôi. Đó cũng là điều màThánh François d´Assisi đã cảm nghiệm được trong lời “kinh hòa bình”: “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Do đó, giá trị về cuộc đời của mỗi người sẽ không được định giá bằng khoảng thời gian mình sống, mà bằng chính cách đón nhận và sống hiện hữu của mình, như là một hiện hữu độc nhất vô nhị trong cuộc xoay vần của vũ trụ và trong thông hợp với hết mọi người khác. Khoảng thời gian mà con người sống nhiều năm hay ít năm không quan trọng,nhưng chính việc con người sống trọn ý nghĩa hiện hữu của mình mới là cái làm nên giá trị cuộc đời. Triết học Ấn Độ – trong kinh Upanishad – gọi đó là cách sống thể hiện sự hòa hợp giữa Âtman với huyền nhiệm tình yêu củaBrâhman; Đức Khổng gọi đó là “tri thiên mệnh”còn người công giáo lại gọi đó là sống đúng ơn gọi của mình để đóng góp vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

“Ta là Alpha và Omega” (Sách Khải Huyền 22, 13)

Mỗi năm, trong thánh lễ Vọng Phục Sinh ngày thứ bảy tuần thánh – qua nghi thức làm phép lửa và đốt nến phục sinh, Giáo Hội hằng nhắc nhớ chúng ta “thời gian là của Chúa và mọi thế hệ là của Ngài, bởi Thiên Chúa là nguyên thủy và tận cùng”.

Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa là thời gian – trong ý nghĩa Thiên Chúa làm chủ thời gian – chứ không phải thời gian là Thiên Chúa.Thời gian chỉ hiện hữu trong sự hiện hữu của Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa hiện hữu trong thời gian.Mà do vậy, sống trong thời gian chưa hẳn là đã sống trong Thiên Chúa, mà sống trong Thiên Chúa mới thật sự là sống trong thời gian.

Thánh Yoan còn định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu(1 Yn 4, 16).Thiên Chúa là thời gian và Thiên Chúa cũng là tình yêu.Như thế, khi sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống.Thời gian không có tình yêu chỉ là thê thảm, ngõ cụt, chết chóc, thừa thãi như cái nhìn của triết gia Jean-Paul Sartre (1905-1980).

Ðặc tính của thời gian là không bao giờ chết.Bởi thế, chúng ta không giết được thời gian nhưng là thời gian giết được chúng ta.Khi người ta “giết thời giờ” là lúc thời giờ đang giết họ. Nếu đặc tính của thời gian là sự sống thì bất cứ hành vinào làm phí phạm thời gian là hành vi xúc phạm đến sự sống, một tặng phẩm cao quý mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta.

Nhưng quá nhiều lúc trong cuộc đời chúng ta đã lãng quên ý nghĩa của thời gian. Vì không làm chủ được thời gian, nên chúng ta không thể nhìn trước được những việc sẽ xảy ra và khi những biến cốmà chúng ta không thích ấy xảy ra, thì chúng ta bực bội, nghi ngờ và lung lạc niềm tin!

Trong tâm tình đó, trước thềm năm Quý Tỵ 2013, xin nguyện chúc cho tất cả mọi người, được mọi sự như ý, và nhất là để cảm nghiệm và sống trọn vẹn những chiều kích hiện hữu của chính mình qua dòng thời gian, để rồi đừng bao giờ đánh mất đi từng giây từng phút quý báu của đời người – là cửa ngõ đưa chúng ta tới Tuyệt Đối, là khát vọng thầm kín và thôi thúc nhất trong từng người.

Hãy cảm nghiệmhiểu và xác tín rằngmọi biến cố xẩy đến trong cuộc sống của chúng ta đều đến từThiên Chúa là Tình Yêu (1 Yn 4, 16) – là khởi nguyên và là tận cùng (Kh. 22, 13).