Billedresultat for lão giáo

Nguyễn Trọng Lưu

Phải thành thật nhận rằng – tại Việt Nam – ảnh hưởng của Lão Giáo tương đối khá lớn – mặc dầu đại đa số quần chúng có lẽ không hiểu tường tận giáo lý của Lão Giáo.

Thật thế, rất nhiều người Việt nam thờ Thái Thượng Lão Quân, Trương Thiên Sứ, Tề Thiên Đại Thánh; rất nhiều người tin vào các thày phù thủy; các người lên đồng; hoặc giả lạy thờ các am, điện, tĩnh … mà tất cả đều là những biến thể của Lão Giáo.

Bởi thế, nay tôi trình bày về Lão Giáo để quý độc giả có thể hiểu và lượng giá được những giá trị tích cựa của đạo này, theo như tinh thần đối thoại của Thánh Công Đồng CVatican 2.

  1. Những người sáng lập Lão Giáo

Nhiều tác giả cho rằng chính Lão Tử là người đã thiết lập ra Lão Giáo – nhưng theo thiển ý của tôi – Lão Giáo được Lão Tử khai sinh – nhưng Trang TửLiệt Tử mới là những người đã hệ thống hóa và rao truyền giáo lý của Lão Tử chống lại những học thuyết khác.

Lão Tử là danh hiệu của Lý Nhĩ, Thụy là Đam, người làng Khúc Nhân, huyện Hồ, thuộc nước Sở – nay là tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ông sinh năm thứ ba đời vua Định Vương, thuộc nhà Đông Chu – đồng thời với Đức Khổng Tử – vào năm 570-490 trước Tây Lịch. Ông làm quan Trụ Hạ Sử, thời Chu -nhưng sau từ chức về ở ẩn.

Trang TửLiệt Tử là hai học trò của Lão Tử. Hai ông đã dành trọn cuộc đời để chú giải và quảng bá tử tưởng của thày mình – cô đọng trong cuốn ”Đạo Đức Kinh”. Đạo Đức Kinh là một bộ sách gồm 5000 câu, đề xướng ”tinh thần vô vi”.

Học thuyết của Lão Tử đã được tướng Mã Viện du nhập vào Việt nam ngay từ năm 42, nhưng mãi đến thời Đinh Tiên Hoàng và thời nhà Lý mới được phát triển mạnh.

  1. ”Đạo Đức Kinh” và ”tinh thần vô vi”

Có hai phần rất nổi bật trong Đạo Đức Kinh. Đó là phần tư tưởng triết học và phần tư tưởng đạo đức. Hai phần này tuy riệng biệt nhưng lại bổ túc cho nhau, nên tôi bó buộc phải trình bày tóm lược phần tư tưởng triết học trước đã.

 

  1. Tư tưởng triết học

Từ ”triết học” trong ”Đạo Đức Kinh” đúng ra chỉ là ”siêu hình học” (métaphysique) hay hạn hẹp hơn nữa là ”hữu thể học ” (ontologie).

Tư tưởng triết học của Lão Tử đặt trên nền tảng ĐẠO. ”Đạo” là một nguyên lý duy nhất, không thể định nghĩa được, nhưng lại tự hữu và toàn năng: ”Đạo khả đạo, phi thường Đạo”: Đạo (mà) có thể gọi được, không phải là Đạo thường (hằng cửu). Tên mà có thể gọi được, không (còn) phải là tên thường (hằng cửu). Nguyên lý này được thực hiện qua sự tương hưởng (harmonie) của các tạo vật – mà tiêu biểu và căn bản là sự hòa hợp giữa Âm-Dương. Từ sự phối hợp Âm-Dương này mà sinh ra vạn vật và từng cặp vạn vật như Đất/Trời; Sông/Núi; Nước/Lửa, Xác/Hồn… rồi các cặp này lại phối hợp với nhau theo luật Hồng Phạn để tạo ra sự tương hưởng trong vũ trụ. Luật Hồng Phạn đặt căn cứ trên sự biến dịch của ”bát quái” – tức tám quẻ: càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài – có thể ví như năng động biện chứng (dynamique dialectique).

Như thế, nguyên lý ”đạo” của Lão Tử là một hệ thống phiếm thần (systėme panthéiste): tất cả vạn vật phát sinh từ ”đạo” và được duy trì trong ”đạo” – như một nguyên lý duy nhất và tối thượng.

 

  1. Tư tưởng đạo đức

Và nếu tất cả vũ trụ phát sinh từ ”đạo” và được duy trì trong ”đạo”, thì con người phải sống theo ”luật vô vi”.

”Vô vi” không có nghĩa là không làm gì, mà trái lại là hành động phù hợp với ”đạo”, là sống phó thác cho sự an bài và chuyển biến của ”đạo”, không phải lo lắng, toan tính hay ham muốn. Khi không còn lòng dục, tất lòng sẽ thư thái, tâm sẽ an nhàn. Chính Lão tử đã dạy rằng trong nhân loại, gần ”đạo” nhất là các trẻ em, bởi lẽ các trẻ em lúc nào cũng sống hồn nhiên, thư thái, an lòng.

Nói khác đi, tinh thần đạo đức của Lão Tử đặt căn bản trên đức khiêm nhường và lòng tín thác. Người đạo đức là người biết chân nhận giá trị về chính bản thân và địa vị của mình trong xã hội và hoàn toàn bằng lòng với những sự việc xảy đến cho mình – vì tất cả đều phát sinh từ ”Đạo” và lại quay về ”Đạo”.  Ngoài ra chính ở thái độ khiêm cung và tín thác này mà Lão Giáo rất đề cao đức khó nghèo: khó nghèo trong tinh thần cũng như khó nghèo trong việc chiếm hữu và xử dụng của cải trần thế. Vàng bạc, của cải không đem lại hạnh phúc. Duy chỉ sống khó nghèo mới giúp con người tiến đến bên ”Đạo” mà thôi (Đạo Đức Kinh, chương 70 và 81).

Billedresultat for lão giáo

  1. Giá trị của Lão Giáo

 

  1. Những biến thể

Như chúng ta vừa thấy, tư tưởng của Lão Giáo rất cao siêu và huyền nhiệm, ít người có thể thấu hiểu – nhất là về phương diện triết học.

Bởi thế, có nhiều học giả đã cho rằng Lão Giáo chỉ là một thứ triết thuyết duy tâm. Và do vậy, một số những môn đồ đạo phái đã lợi dụng sự cao siêu huyền bí của triết thuyết này để bày ra những trò bói toán, những thuật luyện phù phép, những cách lên đồng… thu hút được đại đa số quần chúng ít học hỏi. Một thí dụ cụ thể tại Việt Nam, có không biết bao nhiêu là thày phù thủy, tự nhận là có phép luyện âm binh, âm tướng, lập ra các ngôi Tĩnh – tức nơi để thờ các thần của Lão Tử – như Tản Viên Sơn Thần, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thượng Ngàn Thánh Mẫu – hay các Điện (tức bàn thờ tại tư gia) mà mục đích là để kiếm kế sinh nhai (Xin xem Toan Ánh, Tín Ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, USA 1984, trang 205-229). Ấy là chưa nói đến các cách xin quẻ thẻ, mà tại quê nhà hầu như chỗ nào cũng có, từ thành thị đến thôn quê, từ Bắc chí Nam.

Những hình thức mê tin dị đoan này không phải là chính thuyết của Lão Giáo, bởi thế chúng tôi không lượng giá tại đây.

  1. Giá trị của Lão Giáo

Nhưng trái lại, những tư tưởng đạo đức của Lão Giáo quả thực là những giá trị vô cùng quý báu và rất gần với một số điểm trong công giáo.

Nếu không xét đến một vài điểm căn bản hoàn toàn dị biệt – như công giáo chủ trương độc thần, Lão Giáo lại chủ trương phiếm thần; công giáo tin vào sự sáng tạo từ Thiên Chúa, còn Lão Giáo lại chủ trương vạn vật tự phát sinh từ sự hòa hợp âm-dương – thì điểm gần kề nhất giữa Lão Giáo và Công Giáo là tinh thần phó thác nơi ơn quan phòng của Thiên Chúa. Chính Đức Kitô cũng đã nói nước trời chỉ dành cho những người có tinh thần hồn nhiên như con trẻ (Mt. 12,1-5). Và chính Đức Yêsu cũng đề cao sự khó nghèo: ”nước Trời là của những người có tinh thần nghèo khó” (Mt. 5, 3).

Riêng về đức khiêm nhường, hãy đem so sánh chương 28 và chương 53 của Đạo Đức Kinh với sách Châm Ngôn trong Cựu Ước, chương 23 và với Luca 14, 7-11; Rom.12, 10-16; Ph. 2, 3-7 trong Tân Ước, chúng sẽ thấy sự cao cả của đường lối tu đức theo quan niệm Lão Giáo.

Chính vì thế mà Giáo Hội đã đề cao và ca tụng những giá trị đạo đức của các tôn giáo ngoài công giáo như những dấu chỉ đưa đến ơn cứu độ duy nhất là Đức Kitô (Nostra Ætate, số 2)