Billedresultat for vô thần

Những khía cạnh của hiện tượng vô thần (phần 1)

Nguyễn Trọng Lưu

 

Từ ”vô thần” (l’athéisme) có lẽ không xa lạ gì với người Việt Nam – nhất là đối với những người công giáo đã phải di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 và đã phải vượt biển từ sau ngày 30.04.1975. Nhưng có lẽ cũng do vậy mà nhiều người đã chỉ giản lược ”hiện tượng vô thần” vào với chủ thuyết cộng sản (thuyết cộng sản vô thần) – mà thật ra hiện tượng vô thần rất đa diện và đa tạp, nếu không tra cứu kỹ lưỡng – nó có thể lôi cuốn chúng ta, đặc biệt là những anh chị em giới trẻ đi vào ngõ bí, đôi khi làm lung lạc đức tin tận gốc rễ.

Bởi thế trong loạt bài này, tôi sẽ trình bày ngắn gọn những khía cạnh của hiện tượng vô thần – để quý độc giả có thể dùng như một thứ thanh lọc đức tin và đồng thời có thể dùng làm tài liệu nhỏ bé, khi cần phải đối thoại với những anh em tự nhận là vô thần.

 

Đi tìm một định nghĩa

Tuy thuật ngữ “vô thần” mới xuất hiện ở châu Âu từ thế kỷ 16 tại Pháp nhưng ý niệm này đã bắt đầu ngay từ khoảng thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, với các trường phái triết học Ấn Độ Cārvāka, SamkhyaPurva Mimamsa – chủ trương duy vật chống lại hết các thần minh. Các trường phái này cũng được nhắc đến một vài chỗ trong kinh Kinh Vệ Đà.

Tại Hy Lạp, triết gia Diagoras, sống vào thế kỷ 5 trước công nguyên, được xem là “người vô thần đầu tiên” khi chỉ trích mạnh mẽ tôn giáo và chủ nghĩa huyền bí. Critias lại coi tôn giáo là một phát minh của con người nhằm dọa cho dân chúng sợ hãi mà phải tuân theo các quy tắc đạo đức. Còn những người theo thuyết nguyên tử như Democritus lại cố gắng giải thích thế giới theo một cách thuần túy duy vật, hoàn toàn không cần thiết đến tâm linh hay huyền bí.

Bước sang đầu công nguyên, những Kitô hữu đầu tiên đã bị những người không theo Kitô giáo coi là vô thần vì họ không tin vào các vị thần của các tín ngưỡng đa thần. Và vào thời đế quốc chế La Mã, những người Kitô giáo bị hành quyết vì họ phủ nhận các vị thần La Mã nói chung và tục thờ phụng hoàng đế nói riêng.

Sang đến thời trung cổ đã có những tên tuổi như John Scotus Eriugena, Nicholas đặt nặng thuyết duy tín mà ông gọi là ”docta ignorantia – sự thiếu hiểu biết một cách có tri thức”, khẳng định rằng phạm trù Thiên Chúa vượt ra ngoài khả năng của con người và tri thức của chúng ta về Ngài chỉ nằm trong phạm vi của phỏng đoán. William cũng khẳng định rằng trí tuệ con người không có khả năng hiểu được bản chất thánh thần dù bằng trực quan hay lý luận.

Leonardo da Vinci, Niccolò MachiavelliFrançois Rabelais trong thời phục hưng đã hướng tới việc thực nghiệm như là một phương pháp để giải thích và phản đối các luận cứ về phía tôn giáo thường được gọi là ”argumentum ad verecundiam”.

Các nhà phê phán Kitô giáo xuất hiện ngày càng nhiều trong các thế kỷ 17 và 18, đặc biệt ở Pháp và Anh, như Thomas Hobbes, ủng hộ một triết học duy vật và chủ nghĩa hoài nghi đối với các hiện tượng siêu nhiên. Cuối thế kỷ 18 đã có nhiều nhà tư tưởng vô thần công khai khác, chẳng hạn như Nam tước Baron d’Holbach, Jacques-André Naigeon nhất là David Hume.

Cuốn “The Essence of Christianity” của Ludwig Feuerbach (1841) đã có ảnh hưởng lớn tới các triết gia như Engels, Marx, David Strauss. Tất cả đều chủ trương rằng Thiên Chúa là một phát minh của con người và coi các hoạt động tôn giáo chỉ là để thỏa mãn mong ước không đạt được trong đời. Còn Nietzsche lại nói ”Thiên Chúa đã chết!”

Cuộc cách mạng Pháp 1789 đã đưa chủ nghĩa vô thần đến với đại chúng.

Vào nửa cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa vô thần lên đến đỉnh cao dưới ảnh hưởng của các nhà triết học duy lý và tự do tư tưởng. Nhiều triết gia Đức nổi bật trong thời kỳ này đã phủ nhận sự tồn tại của thần thánh và có thái độ phê phán tôn giáo, trong đó có Ludwig Feuerbach, Arthur Schopenhauer, Karl MarxFriedrich Nietzsche.

Sang đến thế kỷ 20, chủ nghĩa vô thần – đặc biệt trong hình thức vô thần thực tiễn, đã phát triển mạnh trong nhiều xã hội. Tư tưởng vô thần được ghi nhận với nhiều triết thuyết khác rộng hơn, chẳng hạn như chủ nghĩa hiện sinh, thuyết hư vô (nihilisme), chủ nghĩa Marx và các phong trào khoa học và duy lý nói chung.

Thuyết duy khoa học (scientisme) đã mở đường cho chủ nghĩa chứng thực mới (néopositivisme), triết học phân tích (philosophie analytique), thuyết cơ cấu (structuralisme) và chủ nghĩa tự nhiên. Các chủ thuyết này đã loại bỏ thuyết siêu hình và chủ nghĩa duy lý cổ điển để hướng về chủ nghĩa duy kinh nghiệm và thuyết duy danh nhận thức luận, với những tên tuối lớn như Bertrand RussellLudwig Wittgenstein đã cố gắng tách riêng ngôn ngữ siêu hình và siêu nhiên ra khỏi nghị luận duy lý.  Còn A. J. Ayer dùng lập trường gắn bó với khoa học thực nghiệm để khẳng định tính bất khả kiểm chứng và vô nghĩa của các phát biểu tôn giáo. Thuyết cơ cấu ứng dụng của Lévi-Strauss dẫn nguồn gốc của ngôn ngữ tôn giáo về tiềm thức của con người khi phủ nhận ý nghĩa siêu việt của ngôn ngữ đó – mà tựu trung, tất cả đều lập luận rằng sự tồn tại của Thiên Chúa là không cần thiết và do vậy phải phủ nhận sự tồn tại của Thiên Chúa và cuộc sống mai hậu.

Billedresultat for vô thần

Thế kỷ 20 còn chứng kiến sự lớn mạnh về chính trị của chủ nghĩa vô thần, được khích động do các tác phẩm của MarxEngels. Sau Cách mạng tháng mười ở Nga năm 1917 và kế đến là chính sách của Stalin chuyển sang hướng diệt trừ tôn giáo. Liên Xô và các quốc gia cộng sản khác chủ động truyền bá chủ nghĩa vô thần và loại bỏ tôn giáo, thường với bạo lực và giam tù.

Năm 1966, khi bàn về phong trào thần học về cái chết của Đức Kitô, tạp chí Time đã đặt câu hỏi “Phải chăng Thiên Chúa đã chết? – Is God dead?” và trích dẫn rằng gần một nửa dân chúng trên thế giới sống dưới một quyền lực phản tôn giáo. Năm sau, chính phủ Albania của Enver Hoxha công bố lệnh đóng cửa tất cả các cơ sở tôn giáo trong cả nước và tuyên bố Albania là quốc gia vô thần đầu tiên trên thế giới.

Nhưng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, số các chính phủ chủ động chống tôn giáo đã giảm đi đáng kể. Năm 2006, Timothy Shah ghi nhận “một xu hướng toàn cầu của tất cả các nhóm tôn giáo chính, trong đó các phong trào dựa vào Thiên Chúa Trời và đức tin đang lấy lại được ảnh hưởng càng ngày càng cao trong thế đối đầu với các phong trào và hệ tư tưởng vô thần”.

Đến đây chúng ta mới thấy rằng khó có thể đưa ra một định nghĩa hoàn toàn chính xác về thuật ngữ ”vô thần” – dù là trên phương diện triết học, xã hội học hay tôn giáo. Bởi vậy ở đây, chúng ta dùng lối suy luận quy nạp: khởi từ những phân loại, chúng ta đi tìm hiểu nội dung rồi từ đó đi đến một định nghĩa khái quát về từ”vô thần”.

 

Thường người ta hay phân biệt hai loại vô thần: vô thần lý thuyết và vô thần thực hành.

  • Vô thần lý thuyết (athéisme théorique): là nhóm chủ thuyết không nhìn nhận có Thiên Chúa. Hoặc là một phủ nhận xác tín, chối bỏ hoàn toàn sự hiện hữa của Thiên Chúa (athéisme assertorique) – hoặc cho rằng sự hiện hữu của Ngài không thể biết chắc được hay cho rằng vấn đề về sự hiện hữu của Thiên Chúa chỉ là một điều vô nghĩa (athéisme sémantique).
  • Vô thần thực hành (athéisme pratique): là thái độ của nhóm người sống như là không có Thiên Chúa hoặc bao quát hơn, sống không cần đặt vấn đề tôn giáo

Như thế một cách khái quát, hiện tượng vô thần là hiện tượng của những người sống – mà hoặc là chối bỏ Thiên Chúa sự hiện hữu của Thiên Chúa – hay rộng hơn, chối bỏ những vấn đề về linh hồn bất tử, về cuộc sống sau cuộc sống trần thế – hoặc là sống mà coi như không có Thiên Chúa, tức không cần phải đặt vấn đề tôn giáo.

Lối định nghĩa này hé mở cho chúng ta thấy hai khía cạnh chính yếu của hiện tượng vô thần:

Trước hết hiện tượng vô thần là một hiện tượng nhân sinh, hiểu theo nghĩa chỉ có con người với tư cách là có lý trí – mới có thể mói có thể đặt vấn đề về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Và do vậy hiện tượng vô thần đã trở thành một câu giải đáp cho vấn đề nhân sinh: chính khi đặt vấn đề về sự hiện hữu của Thiên Chúa, con người đã tự chọn lựa cho mình một thái độ: ”tin” hay ”chối bỏ”.

Như vậy hiện tượng vô thần là một hiện tượng đa tạp và đa diện: được sinh vào đời, thì với lý trí của mình, con người tự tra vấn về Thiên Chúa và chính thái độ khi tra vấn này mà con người sẽ tự chọn lựa là ”hữu thần” hay ”vô thần”. Mà cũng chính thái độ căn bản này sẽ đưa con người đến chỗ dùng nhãn quan đó để giải đáp toàn bộ vấn đề nhân sinh: nếu chấp nhận cái nhìn ”vô thần”, thì trong mọi lãnh vực, con người sẽ giải đáp theo chiều hướng vô thần đó.

Tại sao lại khó đưa ra một định nghĩa hoàn toàn chính xác về từ ”vô thần”? Bởi trước hết phải đồng ý với nhau thế nào là ”thần” đã: ”thần” là Thiên Chúa theo đức tin của người công giáo, là một Đấng Tối Cao theo cái nhìn của Ấn Độ Giáo, là ”Trời” theo quan niệm Khổng Giáo hay ”Allah” theo quan niệm Hồi Giáo.

Thế rồi cần phải đồng ý về những phẩm tính (les attributs) của vị ”thần” này nữa. Chẳng hạn phẩm tính toàn tri, toàn năng, toàn thiện… và nhất là phải trả lời được vấn đề mấu chốt nhất: vị thần này có tất hữu (nécessaire) hay không.

Quý độc giả có tìm nhiều tài liệu để đào sâu vấn đề này – còn  ở đây, tôi xin được bỏ qua những câu hỏi trên, bởi lẽ những tra vấn đó là thuộc môn siêu hình học (métaphysique) và hữu thể học (ontologique) – thuộc phạm vi thuần triết học – không phải là chủ đích của loạt bài này.