Giáo dân trong Giáo Hội theo Vatican II 

Nguyễn Trọng Lưu

Billedresultat for vatican II

 

Cho đến nay, vẫn còn nhiều người trong chúng ta chưa hiểu rõ về công đồng nói chung và nhất là chưa nhìn ra tinh thần canh tân và đối thoại của Thánh Công Đồng Chung Vatican 2 – mặc dù Vatican 2 đã kết thúc từ năm 1965. Trong một hội nghị ở Vatican vào ngày 27.02.2000, Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2 đã nói rằng: “Công đồng Vatican 2 đã cho chúng ta nhiều phần thưởng quý hóa từ 35 năm qua và còn tiếp tục dẫn đưa chúng ta trong nhiều năm kế tiếp. Công việc của Giáo Hội bây giờ là học hỏi những điều đã đề ra trong các văn bản của công đồng và đem ra thực hành cho có hiệu quả”.

Cũng chính trong chiều hướng đó, chúng tôi muốn trình bày về công đồng nói chung và từ đó nhìn ra chỗ đứng của giáo dân trong Giáo Hội trong tinh thần canh tân và đối thoại của Vatican 2.

 

Công đồng và các cấp bậc công đồng

Công đồng là gì?

Một cách tổng quát, công đồng là hội nghị các giám mục cùng với các vị có trọng trách lớn trong Giáo Hội chính thức nhóm họp, để bàn luận và quyết định về những vấn đề thuộc tín lý hay luân lý của Giáo Hội.

Có những cấp bậc công đồng khác nhau, thường được phân chia thành công đồng chung, công đồng miền và công đồng tỉnh.

Công đồng chung là hội nghị toàn thể các giám mục từ khắp nơi trên thế giới được triệu tập do và dưới thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng.

Công đồng miền là hội nghị các giám mục của một khu vực nào đó trong Giáo Hội, dưới quyền chủ tọa của sứ thần tòa thánh.

Còn công đồng tỉnh là công đồng được họp dưới quyền chủ tọa của Tổng Giám Mục trong giáo khu của mình.

21 công đồng chung trong Giáo Hội

Như vừa nói ở trên, chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có quyền triệu tập công đồng chung.

Nhưng đọc lại lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy 8 công đồng chung đầu tiên đã được các hoàng đế đương thời triệu tập. Sở dĩ đã có hiện trạng này là vì – ngay từ những năm đầu tiên của Giáo Hội, khởi từ thời hoàng đế Constantino (306-357) – sau khi chiến thắng MaximianoPont Millivius với với cờ hiệu mang hình thập giá – nhà vua đã giúp cho Giáo Hội xây các vương cung thánh đường. Và đặc biệt, từ khi Đức Giáo Hoàng Etienne 2 (752-757) phong cho vua Pépin Le Bref của Pháp làm “Quản khu La Mã – Patrice des romains” năm 754, Giáo Hội đã được các vua chúa giúp đỡ rất nhiều về tài chánh và sau này hầu như chính các vua chúa đã trả lương cho hàng giáo sĩ. Nhưng cũng chính vì thế, đã có sự lẫn lộn giữa thế quyền thần quyền. Điều đó có nghĩa là các hoàng đế có quyền đề cử con cháu mình làm giám mục. Và cũng thế, khi có tranh chấp trong Giáo Hội, thì cũng chính các vua chúa sẽ triệu tập công đồng chung hay miền để giải quyết.Nhưng ngược lại, khi các vua lên ngôi trị vì, thì phải được Giáo Hàng chuẩn nhận và xức dầu pohong vương.

Phải đợi mãi đến năm 1075, với tự sắc “Dictatus Papae -Lời phán quyết của Giáo Hoàng”, Đức Gregorio 7 mới quyết định rõi ràng rằng chỉ có Giáo Hoàng mới có quyền bổ nhiệm các giám mục và mới có quyền triệu tập công đồng chung mà thôi.

Nhưng vào thời kỳ mà các sử gia gọi là “thời đền tội của Giáo Hội Công Giáo” – từ năm 1294 đến năm 1453 – thì lại có một hoàng đế triệu tập một công đồng chung để giải quyết việc Giáo Hội có ba giáo Hoàng cùng một lúc: Giáo Hoàng Urbano 6, do nhóm các hồng y người Ý bầu ra tại Roma; “phản giáo hoàng – Anti-Pape” Clemente 7 đóng đô tại Avignon (Pháp) do nhóm hồng y Pháp bầu ra và “giáo hoàng giả – Yoan 23” được bầu tại Pisa, Ý. Mà đó cũng là lần cuối cùng và duy nhất trong lịch sử Giáo Hội, kể từ sau tự sắc “Dictatus Papae”, đã có một công đồng chung được nhóm họp không do quyền triệu tập của Giáo Hoàng.

 

21 công đồng chung trong Giáo Hội.

  1. Nicaea 1, năm 325. Có khoảng 300 Giám Mục Đông Phương, 4 Giám Mục Tây Phương, 2 linh mục Roma làm đặc sứ của Thánh Giáo Hoàng Sylvester 1 tham dự. Hoàng đế Constantino 1 triệu tập. Công đồng họp từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 8. Công đồng lên án lạc giáo Ario và định tín Chúa Con đồng bản tính với Chúa Cha.
  2. Constantinople 1, năm 381. Hoàng đế Theodosius 1 triệu tập dưới triều Thánh Giáo Hoàng Damasus 1, với khoảng 186 giám mục Đông Phương dự, họp từ tháng 5 đến tháng 7. Công đồng lên án các lạc thuyết Arius và Macedonius và khẳng định thần tính của Chúa Thánh Thần.
  3. Epheso, năm 431. Hoàng đế Theodosius 2 triệu tập, dưới triều Thánh Giáo Hoàng Celestinus 1. Có khoảng 150-200 giám mục Đông Phương, 1 giám mục Tây Phương, 3 đặc sứ tham dự với 5 khoá họp từ 22.06 đến 17.07. Công đồng lên án 2 lạc thuyết Nestorius và Pelagius và công bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và xác định Chúa Kitô vừa là Chúa vừa là người thật.
  4. Chalcedonia, năm 451. Hoàng đế Marcianus triệu tập. Có khoảng 600 giám mục Đông Phương, 2 giám mục Phi Châu, 3 đặc sứ của Thánh Giáo Hoàng Leo 1 tham dự trong 17 khoá họp từ 08.10 đến 01-11. Công đồng lên án lạc giáo Eutyches và tái xác quyết Đức Kitô có hai bản tính cùng hiệp thông trong một ngôi vị duy nhất.
  5. Constantinople 2, năm 553. Hoàng đế Justinianus 1 triệu tập dưới triều Giáo Hoàng Vigilius. Khoảng 150 giám mục Đông Phương, 8 giám mục Phi Châu tham dự trong 8 khoá họp từ 05.05 đến 02.06. Công đồng lên án các sai lầm của bà nhà giảng thuyết T. de Mopsuestus, Theodoretus và Ibas – theo phái Nestorius.
  6. Constantinople 3, năm 680-681. Hoàng đế Constantinus 4 triệu tập, dưới triều các Thánh Giáo Hoàng Agatho và Leo II. Khoảng 165 giám mục Đông Phương, 6 giám mục Tây Phương và 3 sứ thần tham dự. Công đồng có 16 khóa họp, từ 07.11.680 đến 06.09.681 khẳng định rằng Đức Kitô có hai ý chí trong một con người duy nhất: ý chí con người và ý chí Thiên Chúa và cũng để chống lại những lạc thuyết thời đó.
  7. Nicaea 2, năm 787. Nữ hoàng Irene triệu tập dưới triều Giáo Hoàng Adrianus 1. Có khoảng 300 giám mục Đông Phương, 2 sứ thần tham dự 8 khoá họp từ 24.09 đến 23.10. Công đồng xác định rằng có thể tôn kính ảnh thánh mà không bị coi là thờ ngẫu tượng.
  8. Constantinople 4, do hoàng đế Basilius 1 triệu tập, dưới triều Giáo Hoàng Adrianus 2. Công đồng nhóm họp năm 870. Có khoảng 120 giám mục Đông Phương và 3 đặc sứ tham dự 6 khoá họp, từ 05.10.869 đến 08.02.870. Công đồng lên án thuyết cấm tôn kính ảnh tượng và truất quyền Thượng phụ Giáo chủ Photius. Nhưng Giáo hội Đông Phương không chấp nhận và cho rằng công đồng năm 870 này đã bị một công đồng năm 880 hủy bỏ và chỉ có quyết định của công đồng 880 mới thực sự là công đồng.
  9. Lateran 1, năm 1123, do Giáo Hoàng Callixtus 2 triệu tập. Khoảng 300 giám mục và 700 đại biểu khác tham dự các khoá họp từ 08.03 đến 06.04. Công đồng bàn và phê chuẩn việc ban các chức tước trong Giáo Hội.
  10. Lateran 2, năm 1139. Giáo Hoàng Innocens 2 triệu tập. Có khoảng 1.000 tham dự viên họp trong tháng 4, để lên án việc ly giáo của Anacletus và bàn về các kỷ luật trong Giáo Hội.
  11. Lateran 3, năm 1179. Giáo Hoàng Alexander 3 triệu tập. Khoảng 300 giám mục và 400 giáo sĩ tham dự 3 khoá họp trong ngày 5 từ 14.03 đến 19.03 để lên án bè rối Albigenses. Công đồng cũng quy định cách chọn giáo hoàng.
  12. Lateran 4, năm 1215. Giáo Hoàng Innocens 3 triệu tập. Có 412 giám mục và 388 giáo sĩ tham dự các khoá họp từ ngày 11.11 đến 30.11. Công đồng quy định việc xưng tội mỗi năm và rước lễ mùa Phục Sinh.
  13. Lyon 1, năm 1245. Giáo Hoàng Innocens 4 triệu tập. Khoảng 150 giám mục và nhiều giáo sĩ tham dự 3 khoá họp từ 28.06 đến 17.07 để lên án và cách chức hoàng đế Frederick 2.
  14. Lyon 2, năm 1247. Giáo Hoàng Gregorius 9 triệu tập. Khoảng 500 giám mục và 570 giáo sĩ – trong số đó có Thánh Thomas và Bonaventura). Hoàng đế Đông Phương M. Paleologus cũng tham dự. Gồm 6 khoá họp từ 07.05 đến 17.07. Công đồng bàn về sự hợp nhất giữa Giáo hội Đông Phương và Tây Phương.
  15. Vienne, năm 1311-1312. Giáo Hoàng Clemens 5 triệu tập. Khoảng 132 giám mục với nhiều giáo sĩ tham dự 3 khoá họp từ 16.10.1311 đến 06.05-1312. Công đồng giải tán dòng Hiệp Sĩ Đền Thờ, đồng thời lên án quan niệm sai lạc của hai tu sĩ Beguard và Beguin.
  16. Constance, năm 1414 -1418, do Hoàng đế Segismundo triệu tập dưới triều Giáo Hoàng Gregorius 12 và Martinus 5. Khoảng 200 giám mục, nhiều giáo sĩ và chuyên viên tham dự 45 khoá họp, từ 05.1.1414 đến 22.04.1418. Công đồng bãi nhiệm ba giáo hoàng đang tranh chấp nhau, chấm dứt tình trạng ly khai ở Tây Phương và cuối cùng bầu lên Giáo Hoàng Martinus 5.
  17. Florence năm 1438-1455. Giáo Hoàng Eugenius 4 triệu tập. Lần đầu họp ở Basel, sau dời về Ferrara, rồi về Florence. Khoảng 150 giám mục Tây Phương, 30 giám mục Đông Phương tham dự. Công đồng đã đưa ra nhiều phương thức hợp nhất hai Giáo Hội Đông và Tây.
  18. Lateran 5, năm 1512-1517. Giáo Hoàng Julius 2 và Leo 10 triệu tập. Có 115 giám mục Tây Phương tham dự 12 khoá họp, từ 03.05.1512 đến 06.03.1517. Công đồng xác định quyền bính giáo hoàng và quyền bính công đồng, lên án những người theo thuyết Aristote mới.
  19. Trento, năm 1545-1563. Các Giáo Hoàng Phaolô 3, Julius 3, Piô 4 triệu tập. Lúc khai mạc có 70 giám mục, nhưng lúc kết thúc lại có 252 giám mục và nhiều giáo sĩ tham dự trong 25 khoá họp từ 13.12.1545 đến 04.12.1563. Công đồng xác định một số điểm đức tin và giáo lý liên quan đến phong trào cải cách – hay gọi là nhóm Tin Lành – cũng như cứu xét về các chiều hướng canh tân Giáo Hội.
  20. Vatican 1, năm 1869-1870. Giáo hoàng Piô 9 triệu tập. Có 747 giám mục tham dự và nhiều giáo sĩ trong 4 khoá họp, từ 08.12-1869 đến 01.07.1870. Công đồng lên án thuyết duy lý và tuyên bố tính bất khả ngộ của giáo hoàng.
  21. Vatican 2, năm 1962-1965. Giáo Hoàng Yoan 23 triệu tập ngày 11.10.1962 và kết thúc ngày 08.12.1965 dưới thời Giáo Hoàng Phaolô 6.

Billedresultat for pope john xxiii vatican ii

Ngày 25.01.1959, sau thánh lễ tại vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, trong phòng khách của một tu viện nhỏ gần đó, Đức Giáo Hoàng Yoan 23 đã ngỏ ý muốn triệu tập một công đồng chung và muốn cải tổ giáo luật.

Ý nghĩ này làm cả thế giới ngạc nhiên. Bởi vì – sau khi công đồng chung Vatican 1 công bố hiến chế “Pastor æternus- Người mục từ đời đời” ngày 18.07.1870 – trong đó nêu lên quyền tối thượng và ơn bất khả ngộ của Giáo Hoàng công giáo khi tuyên bố “ex cathedra – từ ngai tòa” – thì hầu như mọi người đều ngầm đồng ý với ý tưởng của Otto Von Bismarck (1815-198) cho rằng, từ nay trở đi sẽ chẳng cần phải có một công đồng nào nữa. Lời tuyên bố “ex cathedra – từ ngai tòa” là lời tuyên bố của Giáo Hoàng công giáo – khi lấy tư cách là chủ chăn của toàn Giáo Hội – phán quyết những điều liên quan đến tín lý và luân lý, thì những điều ấy không thể sai lầm.

Công đồng Vatican 1 đã được Đức Piô 9 triệu tập năm 1869, nhưng bị bỏ lửng vì chiến tranh Pháp-Đức và vì cuộc chiếm đóng La Mã của nhóm Gibraldi năm 1870. Sau đó, trải qua các đời Giáo hoàng Leô 13, Piô 10, Benedictô 15, Piô 11, Piô 12 – nhưng không một vị nào đã nghĩ đến việc tiếp tục Vatican 1.

Thông thường, mỗi khi Giáo Hội gặp phải những khó khăn trầm trọng, thì khi đó mới có công đồng. Nhưng vào năm 1959, người ta có cảm tưởng rằng Giáo Hội đã không phải bận tâm về lạc giáo hay bị bách hại, mà uy quyền của Giáo Hội lại càng ngày càng được củng cố vững chãi. Do vậy ước muốn triệu tập một công đồng chung của Đức Yoan 23 đã làm cho cả thế giới ngạc nhiên và chờ đón. Kết quả là Công Đồng Vatican 2 đã quy tụ được 2929 Giám mục trên toàn cầu đến tham dự: 1060 từ Âu Châu, 408 từ Á Châu, 351 từ Phi Châu, 1036 từ Mỹ Châu và 74 từ Úc Châu. Trong thời gian họp công đồng, đã có 253 giám mục qua đời nhưng lại có 296 vị đươc tấn phong.

Ngoài các giám mục và các bề trên tổng quyến các dòng tu, chúng ta còn thấy có nhiều nhà chuyên môn – là linh mục, tu sĩ hay giáo dân – cũng được mời tham dự và đóng góp ý kiến cho công đồng nữa.

Có bốn vị sau này trở thành giáo hoàng là: Hồng Y Giovanni Battista Montini (Giáo Hoàng Phaolô 6); Giám mục Albino Luciani, (Giáo hoàng Yoan Phaolô 1); Giám Mục Karol Wojtyła (Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2) và linh mục Joseph Ratzinger, 35 tuổi, có mặt trong vai trò cố vấn thần học (sau này trở thành Giáo hoàng Biển Đức 16).

Sáng kiến của Đức Yoan 23 không nằm trong chiều hướng nghiên cứu các vấn đề hay lên án các giáo thuyết sai lạc như hầu hết các công đồng trong quá khứ, nhưng khởi từ những nhu cầu thực tế và cấp bách của Giáo Hội trong thế giới đương thời, vì Giáo Hội lúc đó đang phải đối phó với những thách đố khó khăn mới. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cuốn hút loài người vào một viễn ảnh vật chất vô cùng tươi sáng nhưng cũng đầy những âu lo, khắc khoải với thảm hoạ chiến tranh nguyên tử, với cuộc đối đầu giữa thế giới tư bản và cộng sản, với nền văn minh hưởng thụ.

Trong nội bộ Giáo Hội, công cuộc truyền giáo không còn đạt được những kết quả lớn lao vì các Kitô hữu dường như an thân và thoả mãn với đời sống đạo thụ động của mình. Do đó, cần một công đồng để thực hiện cuộc đổi mới sâu xa trên toàn thể đời sống Giáo Hội, đem lại giá trị thật sự cho tư tưởng con người cũng như cho đời sống nhân loại, trong tinh thần tìm về nguồn và vâng theo Chúa Thánh Thần.                                                                                                                         

(còn tiếp)