Giáo dân trong Giáo Hội theo Vatican II

(Tiếp theo)

Nguyễn Trọng Lưu

Billedresultat for catholic people praying

 

Hướng đi của Vatican 2: canh tân và đối thoại

Tất cả các công đồng trước đây đều được nhóm họp – hoặc để lên án một lạc thuyết, hoặc để định tín một tín điều. Nhưng Vatican 2 đã khai phóng một con đường mới: con đường của canh tân và đối thoại.

Vatican 2 đã không đưa ra một định tín nào nới mẻ, mà cũng không lên án một lý thuyết nào. Nhưng Vatican 2 lại đi tìm một định nghĩa cho chính Giáo Hội đang trên đường lữ hành với toàn nhân loại. Vatican 2 đòi buộc Giáo Hội phải làm tươi trẻ lại các cơ cấu và đem lại nhựa sống cho toàn thân thể xem ra đã già nua của mình, để thích ứng với những đòi hỏi luôn mới mẻ của Tin Mừng, đồng thời cùng chia sẻ những ưu tư khắc khoải của con người thời nay. Giáo Hội phải can đảm thoát ra khỏi “pháo đài” của mình để đối thoại, cảm thông và chia sẻ với hết mọi anh em Kitô hữu, với các tôn giáo khác và ngay cả với các anh em vô thần nữa. Vatican 2 cũng đưa Giáo Hội đến chỗ kính trọng và đón nhận những giá trị, những nền văn hóa cũng như những hệ thống chính trị khác nhau, để làm rọi chiếu Chúa Kitô đến hết mọi người trên toàn cầu.

Vatican 2 cũng đã đào bới lại ý nghĩa nguyên thủy của sứ mạng làm tông đồ.

Nếu lời của ngôn sứ Isaia được ứng dụng vào Đức Kitô khi khởi đầu sứ mạng tại thế (Luca 4,1-23), thì Vatican 2 cũng làm vang dội lại trong lòng chúng ta chính ca khúc đó: ”Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người thời nay, và nhất là của những người nghèo và những người sầu khổ, cũng là hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới, “Vui mừng và hy vọng”, số 1).Điều đó có nghĩa là Giáo Hội – mà chính mỗi người trong chúng ta, cũng là thành phần làm nên Giáo Hội – phải đồng hành và phục vụ con người trong mọi đường đi nước bước của họ. Hay nói một cách khác, Giáo Hội – tức chính là chúng ta – phải đi đến với tha nhân để tìm yêu mến và phục vụ tha nhân.

Tinh thần canh tân và đối thoại của Vatican 2 này thật khác xa với phong cách của một Giáo Hội đã kéo dài từ thời trung cổ.

 Billedresultat for catholic pope john 23

Cái nhìn về nguồn của Vatican 2

Khi tìm về lịch sử giáo hội và nghiên cứu giáo hội học về giáo dân, các nhà thần học và giáo hội học lớn như Yves Congar op. (1904-1995), Alexandre Faivre (giáo dân, 1945), đã thấy ngay từ khởi đầu của Giáo Hội không có phân chia, khác biệt, cao thấp trong giáo hội – mà sự phân chia giáo sĩ và giáo dân chỉ xảy ra sau này, với tính cách phân ly trầm trọng ít nhiều tùy thời gian và hoàn cảnh xã hội của Giáo Hội La mã.

Chính vì thế mà Ðức Giáo Hoàng Yoan 23, Người đề xướng và thực  hiện Vatican 2, đã làm một cuộc cách mạng “quay về nguồn”. Và chính Ngài cũng đã chính thức mời Jean Guitton (1901-1999), một tư tưởng gia người Pháp, tham dự Công Ðồng với tư cách là dự thính viên giáo dân. Rồi trong những phiên họp khoáng đại về sau, Ðức Phaolô 6 cũng đã mời nhiều dự thính viên giáo dân nam giới vào năm 1963 và cả nữ giới vào năm 1964 đến tham dự.

Như vậy Sắc Lệnh về “Tông Ðồ Giáo Dân” của Vatican 2 đã được thành phần giáo dân cộng tác hoàn thành.

Vatican 2 đã nỗ lực xét lại hoàn toàn quan niệm tổng quát về sự liên lạc giữa Giáo Hội và các tín hữu. Công Ðồng xác nhận rằng người giáo dân phải được đánh giá như cộng tác viên đích thực trong sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội là cứu độ mọi người. Ðây là một thành quả tốt đẹp của Công Ðồng trong việc quan niệm địa vị người giáo dân trong Giáo Hội.

Sau Vatican 2 –  và đặc biệt sau khi Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan-Phaolô 2 công bố Tông Huấn “Christi Fideles Laici – Người Tín Hữu Giáo Dân” ngày 14.04.1989 – như một tiếp theo Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tháng 10.1987 mà chủ đề là “Ơn gọi và sứ mệnh của người tín hữu giáo dân trong giáo hội và giữa trần thế”, thì đã có nhiều bàn thảo, hội nghị, bài và sách viết về “ơn gọi và sứ vụ” của giáo dân: đó là một điểm son trong việc triển khai nền thần học và giáo hội học về tín hữu giáo dân, và cũng là một khởi điểm cho người giáo dân ý thức về ơn gọi, sứ vụ, vai trò, vị trí của mình trong giáo hội. Và mới đây, ngày 17-8-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô – qua tự sắc “Sedula Mater – Người Mẹ Ân cần” đã lập ra “Bộ giáo dân, gia đình và sự sống” đồng thời bổ nhiệm Đức Giám Mục Kevin Joseph Farrell – Giám Mục giáo phận Dallas, Hoa Kỳ – làm tân tổng trưởng của bộ này – để khai triển phận vụ của giáo dân trong Giáo Hội trong những hoàn cảnh mới của xã hội hiện nay. (Quý vị có đào sâu chủ đề này trong “mehangcuugiup.net”“Khơi nguồn tín lý”, Lm. Mat. Nguyễn Khắc Hy, SS)

Sắc lệnh Tông Ðồ Giáo Dân “Apostolicam Actuositatem”

Sắc lệnh đề cập tới vấn đề chính là “tông đồ giáo dân” trong khi vẫn dựa vào những gì đã trình bày ở Hiến Chế về Giáo Hội. Điều quan trọng nhất là Sắc lệnh phân biệt “chức linh mục thừa tác”“chức linh mục cộng đồng”. Với “chức linh mục thừa tác”, các Giám Mục và từ đó các Linh Mục có quyền thi hành những chức vụ tông đồ nhân danh Chúa Kitô  và do đó các ngài trở nên như mục tử chăn dắt. Còn các tín hữu, nhờ “chức linh mục cộng đồng”, thi hành những việc tông đồ riêng biệt của họ trong Giáo Hội. Sắc lệnh đã nhắc lại nhiều lần rằng vì giáo dân tham dự vào

chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thế của họ, cũng phải nắm giữ vai trò riêng do phép rửa tội, thêm sức và nhất là do các đặc sủng riêng biệt của họ.

Sắc lệnh Tông Ðồ Giáo Dân xác định những hình thái và điều kiện cho việc tham dự nầy. Thời gian mà các tín hữu chỉ đóng vai trò thụ động đã qua rồi. Ngày nay Giáo Hội đặt niềm tin ở sự can thiệp, ở sáng kiến cũng như nơi sự tuân phục của con cái mình.

Sắc lệnh nói đến một vấn đề đã gây nên nhiều khó khăn cho việc tông đồ giáo dân: đó là sứ mệnh của Giáo Hội. Sắc lệnh xác định rằng sứ mệnh của Giáo Hội vẫn là duy nhất, nhưng có thể được diễn tả bằng những hình thức tông đồ khác nhau với những thành quả khác nhau. Như vậy người giáo dân thi hành việc tông đồ trong các cộng đồng của Giáo Hội mà họ sống: trong gia đình, ở môi trường xã hội, môi trường giới trẻ, hay trong lãnh vực quốc gia hoặc quốc tế. Việc tông đồ của người giáo dân cũng có thể đem lại những thành quả phong phú: nhờ hoạt động tông đồ, họ thánh hóa chính họ và loan báo Phúc Âm cho người khác và qua đó đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần lãnh vực trần thế.

Ðề cập tới việc thực hiện tông đồ giáo dân, Sắc lệnh nhắc tới hai phương pháp hoạt động trong Giáo Hội: tông đồ tập thểtông đồ cá nhân. Cả hai đều là những cách thế hoạt động của giáo dân. Tuy nhiên hoạt động tông đồ có tổ chức qui củ sẽ đáp ứng hữu hiệu hơn cho nhu cầu của con người và của tín hữu. Bởi thế, phương pháp hoạt động tập thể này cần được phát động và khích lệ nhiều hơn trong các lãnh vực hoạt động của giáo dân.

Sắc lệnh cũng đã đặc biệt lưu ý tới những hội đoàn mới xuất hiện vào quãng mươi năm nay, dưới danh hiệu Công Giáo Tiến Hành. Sắc lệnh còn nhấn mạnh tới việc cần thiết huấn luyện cho những hoạt động tông đồ này cũng như những phương tiện xử dụng.

Trong những đặc điểm chính của thế giới văn minh có lẽ sự liên đới ngày càng gia tăng giữa các dân tộc là một đặc điểm quan trọng nhất. Thật vậy, Thánh Công Ðồng đã đặc biệt chú tâm tới chiều hướng quốc tế đó, và Sắc Lệnh nầy là một trong những bằng chứng của sự chú tâm trên. Hoạt động tông đồ giáo dân phải nhằm tới viễn ảnh quốc tế và thực hiện thế nào để giúp cho các dân tộc gần gũi nhau hơn.

Ơn gọi và sứ vụ tông đồ này không thể chỉ xem là một phận sự mà còn là một quyền: “Giáo dân có bổn phận và quyền làm việc tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép rửa tội tháp nhập họ vào nhiệm thể Chúa Kitô, phép thêm sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Apostolicam Actuositatem, 3). Vậy mỗi giáo dân phải ý thức và xác tín ơn gọi và sứ vụ tông đồ này mà trước đây Đức Hồng Y L. J. Suenens (1904-1996) đã nói một câu rất súc tích và gợi ảnh: “Thời điểm tuyệt diệu nhứt của đời một giáo hoàng không phải là khi được bầu hay được tấn phong, mà là lúc được nhận lãnh phép rửa tội”.

 

Ơn gọi riêng của mỗi cá nhân

Nhưng mỗi cá nhân chúng ta đều phải xét đến ơn gọi riêng của mình, và đó là điều Giáo Hội đặt nặng không kém.

Nói về ơn gọi riêng của mỗi cá nhân, chúng ta nghĩ đến những điều Thiên Chúa muốn cho chúng ta chọn lựa và thi hành theo ý Chúa muốn đối với riêng mỗi chúng ta, tùy theo khả năng, đoàn sủng, dấn thân, những mỗi liên hệ với gia đình và người chung quanh.

Thánh Phaolô vừa cắt nghĩa vừa khuyên bảo mỗi chúng ta hãy suy nghĩ để biết ơn gọi riêng của mình và thực hiện nó với nhiệt tâm và xứng hợp: “Dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi xin nói với từng người trong anh em: đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tùy theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho. Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12, 3-8)

Tuy có giống nhau và bình đẳng về nhân phẩm, tuy có cùng chung một căn tính và ơn gọi căn bản và cùng chung chức vụ tư tế vương quyền của Chúa Kitô, song có khác biệt về vai trò, phần vụ và công tác, gọi là thừa tác vụ, về ơn gọi theo bậc sống và ơn gọi riêng. Những khác biệt đó không làm phân ly chia cách hay tranh chấp chống đối, trái lại bổ túc cho nhau trong mục tiêu thực hiện chung là “xây dựng Thân Thể Chúa Kitô”.

Nếu từ xưa đến giờ quan niệm rằng việc tông đồ là phải do sáng kiến và thẩm quyền của giáo sĩ, và vì thế mà định làm gì thì phải hỏi ý kiến và xin quyết định của các linh mục, phải gia nhập công giáo tiến hành, phải có sự khuyến khích và thúc đẩy của các cha – thì bây giờ, bởi được gọi và ủy nhiệm đích danh làm tông đồ, người tín hữu giáo dân phải có trách nhiệm và trả lời về nhiệm vụ tông đồ của mình, mà không thể nói rằng tại bị lý do gì, cũng không thể đổ lỗi cho cha xứ hay cho giám mục đã không cho phép, không chỉ dẫn, hay không khuyến khích nâng đỡ, trừ ra những lãnh vực thừa tác vụ thuộc về giáo hội.

Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận – từ trong lao tù cộng sản – cũng đã kêu gọi chúng ta thực hiện sứ mạng giáo dân của mình: “Đừng để thiên hạ xây dựng thế giới này mỗi ngày mà con không hay biết, không khám phá, không thao thức, không nhúng tay vào. Chúa đã cứu chuộc con, trao sứ mạng cho con và đặt con vào thế gian trong thế kỷ nầy, thập niên nầy, môi trường nầy” (Đường Hy Vọng, câu 621).

“Một cuộc cách mạng thật sự, khả dĩ canh tân tất cả, từ lòng con người mà chính mình cũng không dò thấu, đến toàn bộ cơ cấu chánh trị, kinh tế, xã hội… của thế giới, không thể thực hiện “ngoài con người, ngoài Thiên Chúa”, chỉ thực hiện “bởi con người, trong Chúa Kitô, với Chúa Kitô” (Đường Hy Vọng, câu 623).

Vatican 3 ?

Ngay sau khi kết thúc Vatican 2, nhiều thần học gia đã tự hỏi: “có cần phải có một Vatican 3 không?” Hỏi như thế không có nghĩa là Vatican 2 đã “lỗi thời”, bởi Vatican 2 đã trình bày Giáo Hội đang cùng lữ hành và cùng chia sẻ mọi ưu tư, trách nhiệm với toàn nhân loại trện con đường đi đến viên mãn, đồng thời cũng đã dung hòa những chia cách giữa Giáo Hoàng và Giám Mục. Như vậy nhiều thần học gia đã nghĩ rằng có lẽ cũng cần đến một Vatican 3 để tìm lại thế quân bình cho hàng Giám Mục và Linh Mục, cũng như đề ra một cộng tác đạt hiệu năng giữa hàng giáo sĩ và giáo dân, đồng thời hoàn tất sứ mạng hiệp nhất mọi Giáo Hội mà Vatican 2 mới chỉ khai mở những bước đầu mà thôi.

Hãy đặt trọn niềm tin vào Chúa Thánh Thần, là nguồn mọi sinh lực của Giáo Hội.

(Nhiều điểm chính trong bài này đã được thuyết trình trong khóa huấn luyện trưởng anh chị em thanh thiếu niên công giáo Việt nam tại Đan Mạch / VU – ngày 13.04.1986 tại Fløjstruplejren, Beder)